Chọn ngành, chọn trường phù hợp với học sinh THPT: những điều cần biết

Vấn đề chọn ngành, chọn trường cho học sinh THPT, đặc biệt học sinh lớp 12 khi chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT là mối quan tâm hàng đầu không chỉ với học sinh mà cả các bậc phụ huynh.

Học sinh chọn sai nghề sẽ không phát huy được năng lực bản thân trong công việc, giảm năng suất và hiệu quả lao động. Từ đó gây ra tâm lý chán nản, thất vọng, thiếu tự tin và mất đi động lực làm việc. Tâm lý lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi, chán nản và không có động lực phấn đấu. Khi nhận ra sai lầm thì đã muộn, muốn đào tạo lại ngành nghề khác tốn kém thời gian, chi phí, chưa kể đôi khi nhiều yếu tố chủ quan khác không thuận lợi.

Chính vì những lẽ đó, việc chọn ngành nghề phù hợp ngay từ ban đầu vô cùng cần thiết và cần đưa ra sự lựa chọn chuẩn xác, phù hợp. Gia sư Bảo Châu xin chia sẻ một số cách để chọn ngành, chọn trường phù hợp với học sinh THPT.

1. Nguyên nhân chọn sai trường

- Chạy theo xu hướng những trường top đầu: Các phụ huynh hay các em học sinh đều có chung suy nghĩ là phải học trường hot, trường top mới dễ xin việc, thích sự nổi tiếng, ngưỡng mộ... nên nhiều em học lực trung bình, thậm chí yếu kém lại đăng ký vào các trường có điểm đầu vào cao, dẫn đến việc thi trượt, bỏ lỡ cơ hội vào các trường phù hợp.

- Chọn trường đông bạn bè mình đăng ký cho "vui": Tưởng chuyện đùa nhưng chuyện này rất phổ biến ở các e học sinh hiện nay. Các em học sinh THPT hiện nay ham chơi hơn ham học, muốn chọn cùng trường với nhau cho có bạn có bè, dẫn tới việc thi trượt, học chán nản, học đuối, không tốt nghiệp được hoặc điểm tốt nghiệp không cao, thất nghiệp... Những hướng đi sai từ ban đầu dẫn đến sai nhiều về sau.

- Chọn nghề nghiệp theo truyền thống gia đình: Tình trạng phổ biến hiện nay là bố mẹ làm nghề gì thường hướng cho con phát triển theo nghề đó, đặc biệt những gia đình làm công chức nhà nước hoặc kinh doanh. Nếu các em yêu thích và có năng lực thì thực sự vô cùng tốt, có sự hướng dẫn của gia đình các em sẽ phát triển tốt hơn. Nhưng nếu các em không thích hay không có năng lực, thì đây lại là sự lựa chọn sai lầm.

- Chọn nghề vì lý do kinh tế: Nhiều em chọn nghề vì lý do nghề đó kiếm được nhiều tiền. Thật ra mong muốn kiếm tiền cũng không sai, nhưng nhiều ngành nghề cần sự đam mê, cống hiến thì khát khao kiếm tiền sẽ ảnh hưởng đến sự trung thực và đạo đức nghề nghiệp, điều này là không nên.

2. Hậu quả của việc chọn sai ngành, sai trường

Việc chọn sai gây nhiều hậu quả đáng tiếc, nhất là lãng phí 4 năm học hành, lãng phí công sức, tiền bạc. Sinh viên lựa chọn ngành nghề không phù hợp với nguyện vọng và mục tiêu bản thân thường dẫn đến hậu quả sau:

- Học tập yếu kém, không đạt được kết quả cao, sinh viên ra trường bằng trung bình hoặc kém

- Bỏ bê học tập, sa đọa vào tệ nạn xã hội

- Thi lại đại học nhiều lần lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, không có thời gian trải nghiệm để học hỏi kinh nghiệm, trải đời để trưởng thành vì xuất phát điểm muộn hơn các bạn khác

- Thua kém bạn bè dẫn đến tự ti, ganh đua, dẫn đến các hành động hãm hại, bôi xấu người khác

- Tranh cãi trong gia đình vì tốn kém tiền bạc, con cái không đạt mong muốn của bố mẹ nên dẫn đến buồn phiền, trách móc

- Dễ dẫn đến tệ nạn xã hội, đặc biệt là các bạn sinh viên xa nhà, sống một mình.

3. Nên chọn trường, chọn ngành thế nào cho phù hợp

Những câu hỏi nên đặt ra để lựa chọn ngành nghề:

B1: Tôi thích nghề gì?

Liệt kê những ngành nghề mà bản thân yêu thích, có hứng thú. Mong muốn về cơ hội làm việc, sự thăng tiến, lập danh sách thứ tự ưu tiên nghề.

B2: Tôi phù hợp nghề gì?

Nên nhận thức rõ năng lực, tính cách bản thân... nên tham khảo điểm chung giữa yêu cầu nghề và đáp ứng bản thân.

B3: Tôi chọn nghề gì? 

Nghề bản thân thích phù hợp với điều kiện bản thân như năng lực học tập, sức khỏe, điều kiện gia đình.

B4: Tôi nên học ở đâu?

Nghề được lựa chọn thuộc lĩnh vực nào, trường nào phù hợp, lập danh sách trường công lập - dân lập, điểm trúng tuyển - chỉ tiêu tuyển sinh, kinh tế gia đình - khoảng cách địa lý và học phí của trường.

4. Những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành, chọn trường của học sinh THPT:

- Bố mẹ chính là hậu phương vững chắc cho con cái, là động lực và truyển cảm hứng cho con.

- Thầy cô chính là những người quân sư tài ba đưa ra lời khuyên, kinh nghiệm và định hướng cho học sinh.

- Những tấm gương anh chị thành công đi trước chính là động lực cho các em học sinh noi theo.

- Bản thân các em học sinh nên học cách làm chủ cuộc đời mình, hiểu bản thân mình muốn gì chính là cốt lõi của quyết định đúng đắn.

5. Học sinh cần làm gì để theo đuổi đúng đam mê, đúng ngành học:

- Không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao năng lực bản thân

- Luôn tạo động lực và giữ lửa cho bản thân

- Lập kế hoạch học tập, chuẩn bị cho tương lai

- Kiên trì, chăm chỉ, phấn đấu không ngừng

- Chọn lựa đúng ngành nghề phù hợp năng lực bản thân.

Vấn đề chọn đúng ngành, đúng trường không phải là vấn đề một sớm một chiều, nhưng việc lựa chọn phù hợp sẽ rút ngắn con đường đến đích của bản thân học sinh. Giúp đỡ học sinh chọn đúng ngành, đúng trường là nhiệm vụ của cả gia đình và nhà trường, nhằm tạo ra tương lai tốt hơn cho học sinh, cũng như tạo nguồn lực chất lượng cao cho xã hội.

 

Sửa bài viết

Top